Sunday, December 18, 2022

THỬ HỌC KỸ THUẬT VẼ NỔI 3D CỦA LEVITAN TRONG “MÙA THU VÀNG”
Trong văn học, khi muốn chuyển ngữ cho một tác phẩm tiếng nước ngoài nếu chỉ về nội dung thôi thì quá đơn giản, chỉ cần một người thông thạo ngoại ngữ, nhưng muốn dịch hay thì đòi hỏi phải có tài năng. Nó thể hiện ở chỗ làm sao mà vẫn giữ được giọng văn của tác giả, lúc thì nhẹ nhàng tinh tế, lúc ngọt ngào tình cảm, lúc khô khan trí tuệ, lúc thông minh hài hước, …., nghĩa là phải giữ được văn phong của tác phẩm. Thực ra thì chỉ rất ít người làm được điều đó. Tài năng của dịch giả chính là ở chỗ này. Người đó đòi hỏi không những phải tinh thông ngoại ngữ mà còn phải rất giỏi viết văn tiếng Việt nữa. Hội họa cũng như vậy, các họa sĩ giỏi khi vẽ không hề sử dụng các kỹ thuật một cách ngẫu nhiên. Vì nét vẽ chính là phương tiện để diễn đạt nên họ dùng chúng hoàn toàn có chủ đích để thể hiện cảm xúc, ngẫu hứng của mình. Cho nên chép tranh nếu chỉ để mà nhìn cho giống thì chưa đủ, cái khó là làm sao giữ được cái hồn của bức tranh. Muốn vậy, cũng giống như trong văn học, cái quan trọng trước hết là ta phải nhắc lại được bút pháp của tác giả. Còn nếu vẽ mà chỉ để cho giống thôi thì cũng chẳng khác gì khi chỉ dịch lấy nội dung, hoàn toàn máy móc, nhiều khi ta còn không hiểu được mình đang làm gì nữa.
Trong bức tranh “Mùa thu vàng” kỹ thuật có lẽ khó nhất là phần vẽ nổi 3D của nó. Nhất là phần các bãi cỏ, Levitan gần như đã vẽ 3D đến từng cọng cỏ. Cái này nếu ta chỉ nhìn bằng mắt thường trên ảnh sẽ không thấy nhưng nếu đưa nó vào phần mềm Photoshop và qua một số thao tác xử lý thì chúng sẽ hiện lên rất rõ. Hình như kỹ thuật mà Levitan dùng ở chỗ này là vẽ âm bản. Đó là một kỹ thuật mà thời xưa khi chưa có loại bút lông chất lượng cao như bây giờ các họa sĩ thường sử dụng để vẽ những chi tiết tinh vi. Nếu xem tranh mô tả về các họa sĩ ngày xưa thì chúng ta sẽ thấy họ cầm bút lông có phần đuôi cán rất nhọn. Đó không phải vật để trang trí mà chính là một cái ngòi bút. Khi vẽ các chi tiết quá nhỏ mà không thể dùng phần đầu bút lông được nữa họ bèn quét lớp màu cần vẽ (forecolor) xuống dưới trước chờ khô hẳn mới quét lớp màu nền (backcolor) lên trên. Sau đó họ dùng phần đuôi, tức là ngòi bút cạo đi lớp sơn bên trên theo nét vẽ, như một cách vẽ ngược. Vì ngòi bút rất nhọn nên sẽ hiện ra những đường nét mảnh, cực kỳ tinh vi. Có lẽ là vì vậy nên trong tiếng Nga từ vẽ tranh (рисовать картину) chỉ dành cho những người mới học vẽ, trình độ thấp. Còn các họa sĩ có đẳng cấp cao thì được gọi viết tranh (писать картину), chắc là với cái ý là họ đã đạt đến trình độ có thể viết nên những đường nét tinh vi.
Levitan đã dùng kỹ thuật âm bản này để vẽ toàn bộ bãi cỏ, có cảm giác như là ông muốn tạo ra những hoa văn trước khi vẽ 3D các nét nổi chồng lên trên nữa vậy. Cũng hoặc là đã vẽ xong những chỗ đó rồi nhưng lại không vừa ý nên ông đã vẽ đè lên, tao ra bãi cỏ được làm nổi 3D đến hai lần, 1 lần theo kiểu vẽ âm bản, 1 lần theo kiểu dương bản. Nhưng dù thế nào đi nữa thì cái này đã tạo ra sự đặc biệt của bức tranh. Ở đây ta sẽ thử nhắc lại kỹ thuật này để trung thành với nguyên bản. Vì đơn giản nếu không làm như vậy thì đồng nghĩa với việc ta cũng đang vẽ mùa thu vàng ấy nhưng theo cách nhìn khác chứ không phải là của Levitan.
Như có lần đã nói, việc sao chép chính xác hoàn toàn “Mùa thu vàng” là không khả thi cho nên ta sẽ không cố gắng vào đó mà chỉ tập trung vào thử học kỹ thuật vẽ nổi 3D của Levitan trong bức tranh này, nhất là bãi cỏ, nơi ông đã kết hợp cả 2 kỹ thuật nổi (vẽ) và âm bản chìm (viết). Nhưng ở đây ta lại gặp một trở ngại: sơn dầu có một nhược điểm rất lớn là cực kỳ lâu khô. Chỉ một nét vẽ thôi muốn chờ khô hẳn để vẽ tiếp thì có khi chúng ta phải chờ đợi mất trong nhiều tháng. Cho nên các họa sĩ có lúc phải mất nhiều năm mới vẽ xong một bức tranh sơn dầu. Ta thì không có nhiều thời gian đến như vậy cho thử nghiệm này nên ở đây sẽ dùng sơn acrylic để tạo hình 3D ở những chi tiết có các mảng màu quá dày cho bức tranh.
Acrylic là sơn nước, có cùng gốc với sơn quét tường. Ưu điểm cúa acrylic là hòa tan trong nước nên rất dễ vẽ. Nhưng quan trọng nhất là nó khô rất nhanh. Nếu 1 lớp sơn dầu mỏng để chờ khô và vẽ tiếp được lớp khác lên trên phải cần ít nhất 2 tuần đến 2 tháng thì đối với acrylic ta chỉ cần khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Chính vì các lý do đó những bức tranh thương mại hiện nay hay bày bán người ta thường làm giả tranh sơn dầu bằng acrylic, vì nếu chỉ nhìn qua thì cũng khá giống. Nhiều người đã mua nhầm phải loại tranh này, do có ít kinh nghiệm nên họ đã không thể phân biệt được sự khác nhau của chúng mà vẫn tưởng rằng mình đang sở hữu một bức tranh sơn dầu.
Các họa sĩ thời nay thì thường dùng acrylic để vẽ màu nền lót cho sơn dầu. Nguyên tắc cơ bản của hội họa là lớp màu nền bên dưới phải khô nhanh hơn lớp sơn vẽ lên trên, vì nếu làm ngược lại thì lúc khô hẳn sẽ tạo ra các vết nứt trong tranh. Cho nên chỉ được dùng acrylic làm nền cho sơn dầu chứ không bao giờ làm ngược lại.
Sử dụng điều này ta thử dùng kỹ thuật điêu khắc cho việc tái tạo phần 3D nổi (vẽ) những chỗ nét nổi quá dày cho “Mùa thu vàng”. Ta sẽ dùng acrylic tạo nền hình nổi 3D của bức tranh như kiểu đắp phù điêu, sau đó mới vẽ sơn dầu lên trên. Còn phần vẽ âm bản (viết) thì ta chỉ dùng sơn acrylic để tạo nền phẳng, phần còn lại là toàn dùng sơn dầu vì nó phù hợp với kỹ thuật này hơn. Các vị trí khác thì chỉ cần vẽ bình thường. Ý tưởng là vậy nhưng khi thực hiện thì thật ra rất khó vì như đã nói, có quá nhiều chi tiết quá nhỏ mà bức tranh dự định của ta về kích thước mỗi chiều chỉ đúng bằng ½, nghĩa là về diện tích thì chỉ bằng ¼ nguyên bản (40x62cm so với 80x124cm) nên các mọi thứ lại càng bé, rất khó vẽ, nhất là khi tạo các nét nổi 3D.
Kết quả: Vẽ tổng thể (khổ tranh 40x62cm)


Chi tiết: Vẽ bãi cỏ kết hợp cả 2 kỹ thuật nổi (vẽ) và âm bản chìm (viết)


Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib