Wednesday, January 25, 2023

Kỷ niệm mùa xuân với “Đàn quạ trở về” (Грачи прилетели) của A. Savrasov
Có thể nói đây là bức tranh yêu thích nhất của một thời tuổi trẻ. Hồi đó mỗi lần đến bảo tàng tranh Tretyakov trên phố Lavrushinsky, Moscow là mình lại đứng lặng đi rất lâu trước nó. Không phải trước tranh của các họa sĩ nổi tiếng như Levitan, Repin, Shishkin, Aivazovsky … vốn là những thần tượng của thanh niên Việt nam thời đó, mà lại là trước bức tranh này, mặc dù hồi đó hoàn toàn chưa biết gì hết về Savrasov nên cứ nghĩ đấy chỉ là một họa sĩ chưa có tên tuổi. Lý do là bởi không hiểu tại sao mà mỗi lần ngắm nó mình lại thấy một nỗi buồn không tả, một sự cô đơn vô hạn. Mặc dù cái thứ trong bức tranh tác giả đang vẽ lại là một ngày vui, có thể nói là ngày được mong đợi nhất trong năm. Vì đó là một trong những ngày xuân đầu tiên. Ánh nắng vàng đang xua dần đi cái mùa đông lạnh kinh khủng của nước Nga, tuyết sắp tan gần hết, chim chóc đang bay về làm tổ. Chỉ cần thêm một vài tuần nữa thôi là cây cối sẽ bắt đầu đâm chồi nảy lộc, chen đua nhau lớn vụt lên từng ngày, phủ xanh rất nhanh lên tất cả cảnh vật… Cảnh thì đáng ra là rất vui, nhưng không hiểu sao cứ xem tranh mình lại cảm thấy một nỗi buồn vô tận. Phải chăng vì đằng sau cái ánh nắng yếu ớt của buổi sáng mùa xuân ấy thì phần hậu cảnh lại là một làng quê tiêu điều, hiu quạng không bóng người, bầu trời ảm đạm, cái gác chuông, ngôi nhà thờ cũ, chắc đã lâu ngày không được tu sửa, tường bong tróc, phủ đầy rêu phong ẩm mốc, mấy con quạ ngơ ngác, những tổ chim xơ xác, những cành cây khẳng khiu mong manh, thậm chí bức tranh như còn cho ta cả cái lạnh tê tái của vũng nước băng giá và của cả cánh đồng tuyết đang tan kia nữa, như cảm thấy nó đang thấm dần vào cơ thể mình. Mà không hiểu tại sao bình thường khi tuyết bắt đầu rơi thì trời ấm nhưng lúc nó tan đi thì lại lạnh đến thế?
Chỉ mãi đến tận bây giờ, lúc chuẩn bị viết bài này này, ngay khi nghiên cứu về tiểu sử cuộc đời của Savrasov, mới lờ mờ đoán ra cái nguyên nhân của nỗi buồn, sự cô đơn trong bức tranh. Vài tháng trước khi vẽ bức tranh này, đứa con gái nhỏ duy nhất của Savrasov đã bị bệnh nặng và qua đời, ngay giữa mùa đông, vào tháng 2/1871. Cái chết này làm ông đau buồn đến mức suốt ngày chỉ ở quanh ngôi mộ, thậm chí còn vẽ cả tranh về nơi yên nghỉ cuối cùng của con mình. Có lẽ sự mất mát ấy đã để lại cho ông cái nhìn buồn thảm về mùa đông và một chút hy vọng về sự thay đổi mà mùa xuân có thể mang lại.
Nhưng rồi cuối cùng mùa xuân hình như cũng không cứu giúp được ông. Có lẽ nỗi đau mất con đã làm Savrasov không gượng lại nổi, và bắt đầu ngay từ đây ông đã sa vào con đường nghiện ngập. Mặc dù từng là một họa sĩ rất nổi tiếng và giàu có, từng là thầy của Levitan, tranh được các bảo tàng đua nhau đặt trước và các nhà sưu tập ráo riết săn tìm nhưng cuối đời ông đã sống trong nát rượu và nghèo đói. Mộ của ông được chôn tại khu nghĩa địa dành cho người nghèo.
Cũng đến mãi bây giờ mới biết “Đàn quạ trở về” của Savrasov luôn luôn đứng trong Top 10 bức tranh nổi tiếng nhất của hội họa Nga trong tất cả các bảng xếp hạng hiện có. Tên của ông cũng nằm trong danh sách Top 10 họa sĩ Nga xuất sắc nhất mọi thời đại.
Thể hiện lại một cảnh mà trong đó chứa đựng cả cái vui, nỗi buồn, sự cô đơn, niềm hy vọng … cùng với nét bút của một họa sĩ bậc thầy như Savrasov sẽ là một điều không tưởng. Nhưng ta hãy cứ thử vẽ và xem đó như là một kỷ niệm nữa với “Đàn quạ trở về” – “Грачи прилетели”, bức tranh đã đi theo ta cả cuộc đời.
Kết quả: khổ tranh hiện đang vẽ là 46x60cm  (bản gốc bảo tàng tranh Tretyakov là 48,5x62cm)


Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib