Sunday, March 12, 2023

"Người đàn bà xa lạ" - I.Kramskoi

Lại quay về với những bức tranh yêu thích của thời sinh viên ngày trước. Lần này là bức tranh mà nếu ai đã xem thì chắc khó lòng mà rời mắt ngay được vì sự đặc biệt của nó. Đó là "Người đàn bà xa lạ" - "Неизвестная"(Незнакомка) do hoạ sĩ nổi tiếng người Nga I.Kramskoi vẽ vào thế kỷ 19.
Có nhiều người thích tranh chân dung. Nhưng ngắm tranh là một chuyện, còn vẽ nó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Cần phải nói rằng vẽ chân dung là chuyên ngành, một lĩnh vực rất đặc thù trong hội họa, đòi hỏi người vẽ phải có khả năng và trình độ chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, chuyên sâu chứ không phải hễ ai cứ muốn là làm được. Có rất nhiều danh họa lớn của thế giới như Leonardo da Vinci, Rembrandt, Caravaggio, Raffaello, ... là những họa sĩ chuyên về tranh chân dung. Còn nói thật thì mình chưa bao giờ vẽ chúng cả vì xưa nay chỉ thích mỗi thể loại tranh phong cảnh thôi, có lẽ vì cái chất nên thơ lãng mạn của dòng tranh này. Nhưng lần này thì chắc có lẽ sẽ phải thử phá lệ một tý với "Người đàn bà xa lạ" vì sự đặc biệt của nó và nhân đây cũng muốn thử tìm hiểu sơ qua về lĩnh vực hội họa này, mặc dù biết chắc chắn sẽ gặp vô số rắc rối khi không có một chút kỹ năng về vẽ chân dung nào cả mà lại dám chọn ngay bức tranh có độ khó rất cao này để thử sức.
Khung cảnh là một buổi sáng mờ sương tại trung tâm thành phố Saint Petersburg nước Nga. Một phụ nữ trẻ đẹp dáng quyền quý ăn mặc theo mốt thời thượng đang ngồi xe ngựa mui trần dạo trên cầu Anichkov, phía sau ta còn có thể nhìn thấy cảnh cung điện Anichkov, chiếc áo lông thú đắt tiền, găng tay da mỏng mềm thanh lịch, vòng vàng đeo tay hài hòa cùng ngọc trai gắn trên chiếc mũ dạ duyên dáng có cắm chiếc lông chim.
Một thân hình thanh mảnh với gương mặt mà người xem khó có thể rời mắt đi. Và cặp mắt của cô mới chính là bí ẩn của bức tranh. Chính vì đôi mắt này mà cô còn được gọi là Mona Lisa của nước Nga. Nếu điều bí ẩn trong tranh của Leonardo da Vinci là nụ cười, thì trong “Người đàn bà xa lạ” đó là cặp mắt chứa đựng rất nhiều cảm xúc trái chiều. Một ánh mắt lạnh lùng nhìn xuống đầy kiêu kỳ, nhưng hình như lại thoáng buồn và có sự bất an bên trong. Một khuôn mặt xinh đẹp đầy gợi cảm, cuốn hút nhưng đồng thời lại như lãnh đạm với tất cả.
Cũng như với bức tranh Mona Lisa, câu hỏi "Nàng là ai" đã làm tốn biết bao nhiêu giấy mực của thiên hạ hàng trăm năm qua. Đã có rất nhiều giả thuyết, có cái quả quyết rằng đó là người phụ nữ được Nga hoàng sủng ái, vì vậy nên tác giả đã tránh không dám nêu tên. Có nguồn còn cho rằng đó chính là Anna Karenina vì I.Kramskoi rất thân với L.Tolstoy nên đã được giới thiệu để vẽ nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm cùng tên. Thậm chí có người còn khẳng định đó chính là nhân vật Nastasya Filipovna trong "Thằng ngốc" bởi rất giống với miêu tả mà F.Dostoevsky đã viết trong cuốn tiểu thuyết này...Nhưng tất cả điều đó rồi cũng mãi mãi chỉ là giả thuyết và sẽ không bao giờ có lời giải đáp cả vì người duy nhất nắm giữ bí mật đó đã không thể trả lời cho chúng ta được nữa.
Kết quả: hiện tạm thời đang vẽ phần chính, quan trọng nhất với mọi bức tranh chân dung, đó là khuôn mặt và trang phục. Nhưng phần khó vẽ nhất trong bức tranh này thì chắc hẳn phải thuộc về đôi mắt. Nó vừa phải lạnh lùng, kiêu kỳ nhưng đồng thời lại vừa như ẩn dấu một nỗi buồn bên trong. Loay hoay mãi thì cuối cùng có lẽ cũng đã đoán ra được cái cách mà I.Kramskoi đã vẽ chúng. Trái với mọi lôgíc, ngay từ ban đầu ông đã vẽ một cặp mắt có độ xếch xuống rất không bình thường, thậm chí còn hơi bất đối xứng nữa. Nếu cứ theo tiêu chuẩn của thẩm mỹ thì rất khó để có thể coi đó là một đôi mắt đẹp, có khi còn ngược lại nữa là đằng khác . Nhưng sau đó ông đã rất khéo léo dùng kỹ xảo màu sắc và ánh sáng để cân bằng chúng lại, tạo nên một hiệu ứng ảo khiến người xem không thể nhận ra được sự bất thường đó của cặp mắt. Cái đó cũng giống như một cô gái giỏi trang điểm đã khéo léo dùng son phấn che giấu đi những khiếm khuyết của mình để tạo ra một khuôn mặt xinh xắn nhưng lại rất lạ lẫm vậy. Kết quả là I.Kramskoi đã tạo ra một đôi mắt đẹp chứa đầy cảm xúc rất khác thường!
Khổ tranh đang vẽ là 61x46cm, còn bản gốc trưng bày ở bảo tàng Tretyakov là 99x75cm.
Chạm (click) vào photo để mở và vào chế độ phóng to nếu xem chi tiết







Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib