Monday, June 19, 2023

HỌA THIỀN

Nếu như trong lúc bàn luận theo chủ đề "Những bức tranh yêu thích thời sinh viên" về biển chúng ta không thể không nhắc đến I. Aivazovsky thì khi nói về đề tài rừng thì người đầu tiên được nhắc tới chắc chắn phải là danh họa người Nga I. Shishkin (И. Шишкин). Có lẽ khó có ai có thể vượt qua Shishkin trong lĩnh vực này được. Người ta thường nói rằng nếu trong tranh của các họa sĩ khác các cánh rừng trông tựa như những bức tường thì với I. Shishkin chúng là cả một thế giới sinh động gồm nhiều tầng, nhiều lớp với muôn vàn sắc màu rực rỡ. Ở đó ta có thể như cảm thấy cái mát lạnh của sương mù, mùi hăng hắc của lá cây, sự ẩm mốc của rêu phủ, ánh sáng mờ ảo qua các khe lá, cái long lanh của từng giọt nắng... Và trong số các tác phẩm đó thì "Buổi sáng trong rừng thông" (Утро в сосновом лесу) được giới chuyên môn đánh giá là bức tranh xuất sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Shishkin.
Điều thú vị là trong số chúng ta chắc đã có rất nhiều người từng xem bức tranh này nhưng có lẽ ít ai biết rằng ngày xưa ở góc dưới cùng bên trái của nó đã từng có hai chữ ký, nghĩa là đã từng có đồng tác giả. Nếu xem bức tranh hiện treo tại bảo tàng Trechakov ngay dưới chữ ký "И. Шишкин 1889" (I.Shishkin 1889) ta sẽ thấy có một vệt màu đen được quét đè lên, đó là vị trí trước kia của chữ K.Савицкий (K.Savitsky)
Là một họa sĩ phong cảnh bậc thầy, mặc dù rất giỏi về vẽ cây cối, rừng núi, sông suối...nhưng trong việc miêu tả người và động vật I.Shishkin lại rất vụng về vì đối với ông đây lại là sở đoản. Vì vậy để vẽ mấy con gấu trong bức tranh này ông đã phải nhờ người đến người bạn thân K.Savitsky vốn là họa sĩ chuyên vẽ cảnh săn bắn giúp đỡ. Bức tranh "Buổi sáng trong rừng thông" đã được bán với giá 4000 rúp là một số tiền rất lớn thời bấy giờ và Shishkin đã chia cho Savitsky 1000 rúp. Đồng thời ông cũng đánh giá cao sự đóng góp của Savitsky trong việc tạo ra bức tranh, do đó đã để hai chữ ký lên trên bức tranh - "I.Shishkin" và "K Savitsky".
Nhưng đến nay thì chữ ký của Savitsky không còn nữa. Nguyên do là theo thỏa thuận đặt hàng với chủ nhân của bảo tàng tranh Tretyakov nổi tiếng thì trong tác phẩm này chỉ được có tên của một tác giả mà thôi. Chính ông chủ P. Tretyakov đã đích thân cầm bút vẽ để xóa đi tên của Savitsky trong bức tranh này, bởi vì như ông nói “bắt đầu từ ý tưởng và kết thúc bằng việc thực hiện, mọi thứ đều nói lên phong cách vẽ tranh và phương pháp sáng tạo đặc biệt của I.Shishkin. "
Nếu bắt tay vào vẽ "Buổi sáng trong rừng thông" thì có lẽ ta sẽ hiểu tại sao trong ngôn ngữ tiếng Nga những bức tranh được thể hiện ở trình độ cao sẽ được gọi là viết tranh (писать картину) chứ không phải là vẽ tranh (рисовать картину). Lý do là vì trong "Buổi sáng trong rừng thông " có vô số chi tiết rất nhỏ và tỉ mỉ buộc ta luôn luôn phải dùng bút cọ có nét rất mảnh để thực hiện chúng. Đây có lẽ cũng là kỹ thuật cơ bản và quan trọng nhất của trường phái hội họa cổ điển bởi chính nó đã tạo ra sự sắc nét, sống động của bức tranh. Kỹ thuật vẽ rất nắn nót này giống như cách ta đang cầm bút để viết những nét chữ nhỏ li ti lên một tờ giấy vậy. Nó đòi hỏi sự khéo léo, chính xác, đặc biệt là tính tập trung cao độ và nhẫn nại... cái này có lẽ rất phù hợp cho những ai đang chuyên tâm về các môn luyện thần khí như yoga, khí công, thiền. Vì như ta biết thì " Thiền là một hoạt động thực hành mà người hành thiền sẽ sử dụng một kỹ thuật, hoặc tập trung tâm trí vào một đối tượng, suy nghĩ hoặc hoạt động cụ thể - để rèn luyện sự chú ý và nhận thức, đồng thời đạt được trạng thái tinh thần minh mẫn và cảm xúc bình tĩnh và ổn định."
"Buổi sáng trong rừng thông" quả là nơi xứng đáng để chúng ta thả hồn mình vào trong những giây phút như vậy.
Theo kinh nghiệm thì một bức tranh dù trước đó đã xem đi xem lại bao nhiêu lần đi nữa nhưng sau khi trực tiếp vẽ lại ta sẽ có cái nhìn rất khác về nó, có thể nói là sâu sắc hơn rất nhiều. Có lẽ nguyên nhân ở đây là lúc ngắm tranh ta chỉ biết nhận thức theo chủ quan từ bên ngoài theo kiểu "cỡi ngựa xem hoa", còn khi vẽ ta như lại có thêm cái góc quan sát từ người trong cuộc. Và điều quan trọng nhất là lúc nào ta cũng có đủ thời gian để nhận biết, suy ngẫm về từng đường nét tinh tế, các chi tiết tỉ mỉ, những thay đổi nhỏ nhất của mỗi gam màu...để trả lời câu hỏi "tại sao" cho mọi tình huống phải xử lý. Và cứ luôn ở trạng thái như vậy liên tục trong một thời gian dài, vì có khi phải mất hàng tháng để hoàn thành một bức tranh. Cho nên có lẽ đến một lúc nào đó thì ta sẽ đạt được một sự giao thoa, một sự đồng cảm nhất định giúp hiểu sâu hơn cái muốn gửi gắm của tác giả để từ đó nhận thức rõ ràng hơn về cái hồn của tác phẩm. Ở đây về cơ bản cũng như thiền vậy, nếu cứ thật tập trung, chuyên tâm vào một vấn đề thì sẽ đến lúc ta ngộ ra được bản chất của nó.
Từ đây nảy sinh ra một ý tưởng thú vị là tại sao ta lại không xem phong cách vẽ tranh rất nhẩn nha, từ tốn theo kiểu nửa họa nửa thưởng lãm này như một phương pháp thiền? Và mở ra trường phái mới tạm gọi là "Họa thiền"!
Vậy nên mới ngẫu hứng mấy câu thơ (vui):
HỌA THIỀN
Nhẩn nha nét họa niềm an lạc
Thong thả sắc màu cõi ấm yên
Cảnh đời xuôi ngược buồn man mác
Thanh thản hồn ai chốn "Họa thiền"!

Kết quả: Hiện đang vẽ khổ tranh là 46x67cm, còn bản gốc trưng bày ở bảo tàng Tretyakov là 139×213 cm .

Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib