Sunday, November 12, 2023

"Người phụ nữ và cái dù" (Claud Monet) - Trường phái Ấn tượng

Nếu bạn muốn xem một bức tranh vẽ cảnh nắng hè rực rỡ thì có lẽ "Người phụ nữ và cái dù" (tiếng Pháp: La Promenade ) là sự lựa chọn hợp lý. Nó được xếp vào danh sách 100 bức tranh có ảnh hưởng lớn đến lịch sử hội họa thế giới.
Bức tranh này được họa sĩ Pháp Claud Monet (1840-1926), thủ lĩnh của trường phái Ấn tượng vẽ vào năm 1875 và hiện được đặt ở Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia Washington, DC Mỹ. Tác giả là người được xếp hạng 4 trong Top 10 họa sĩ vĩ đại nhất thế kỷ 20 do tạp chí The Times công bố.
Cái tên "Ấn tượng" là do các nhà phê bình gọi một cách chế diễu cho trường phái này dựa theo bức tranh của chính C.Monet "Ấn tượng, mặt trời mọc" (Impression, soleil levant) mà theo ý họ thì nó còn xấu hơn cả giấy dán tường!
Nói chung thì các họa sĩ theo trường phái này đã phải chịu sự kỳ thị trong một thời gian rất dài, đến nỗi tranh của họ bị cấm không được đưa vào các cuộc triển lãm về hội họa. Họ buộc phải tổ chức chúng cho riêng mình. Nhưng ngày ấy không có ai muốn mua loại tranh kiểu mới này cả mà mãi cho đến khi họ sang triển lãm ở Mỹ năm 1886 thì mới dần dần tìm được sự nhìn nhận của công chúng.
Nhưng điều trớ trêu là cũng chính trường phái này đã làm ra cuộc cách mạng khởi đầu và đặt nền móng cho nền hội họa hiện đại ngày nay. Lý do là vì trước đó thì các họa sĩ đều làm việc trong các xưởng vẽ, tự tay pha chế sơn màu cho riêng mình. Cho nên thời đó các họa sĩ phải giàu có thì mới đủ điều kiện để theo nghề vì một bức tranh có khi phải vẽ trong nhiều năm. Nhưng sau đó thì công nghệ phát triển đã làm ra loại sơn vẽ chứa trong các tuýp kim loại rất tiện lợi tạo điều kiện cho các họa sĩ đưa giá vẽ ra thiên nhiên. Từ đây thì họ mới phát hiện ra một điều rất quan trọng làm thay đổi hoàn toàn các khái niệm có trước đó về hội họa. Ngày trước vì tranh vẽ trong xưởng nên phần bóng tối của vật người ta chỉ cần dùng màu nâu hoặc đen để thể hiện vì trong thực tế thì nó đúng là như vậy. Nhưng lúc đưa giá vẽ ra ngoài thiên nhiên, dưới ánh sáng của mặt trời họ mới phát hiện ra rằng còn có một thứ cực kì quan trọng đã ảnh hưởng đến màu sắc của vật đó là sự phản chiếu màu sắc của môi trường xung quanh. Lấy ví dụ như chúng ta ai cũng đều biết rằng màu của tuyết là trắng tinh, nhưng nếu ta quan sát kỹ các bức tranh vẽ tuyết lúc trời quang mây tạnh thì các họa sĩ đều vẽ nó có sắc xanh và điều đó hoàn toàn chính xác vì trong thực tế thì đúng là như vậy. Thế thì màu xanh đó từ đâu mà ra? Câu trả lời đó chính là do sự phản chiếu của bầu trời xanh xuống. Nếu một vật đặt cạnh vật có màu đỏ hoặc màu gì khác thì nó cũng bị ảnh hưởng về màu sắc y như vậy. Mà vì sự phản chiếu thì lại phụ thuộc vào ánh sáng nhưng độ sáng và góc chiếu lại tùy thuộc vào giờ giấc, điều kiện thời tiết...cho nên rõ ràng màu sắc của cảnh vật không là hằng số mà phải thay đổi tùy theo từng thời điểm trong ngày.
Cùng vào khoảng thời gian đó loài nguời cũng lại phát minh ra máy ảnh nên các họa sĩ cũng khao khát thực hiện cái điều mà các máy ảnh đã làm được đó là chụp lại được khoảng khắc thời gian rất ngắn của cảnh vật .
Đó là bối cảnh ra đời của trường phái Ấn tượng. Ta có thể hiểu sự khởi đầu của nó một cách nôm na như là một nỗ lực để tạo ra một bức ký họa bằng sơn dầu vậy. Mà muốn như thế thì kỹ thuật vẽ tranh cũng phải khác, nét sơn phải nhanh, lớn hơn và tạo mảng dày hơn để màu sắc không bị hòa lẫn vào nhau. Nó chống lại các tiêu chuẩn hàn lâm, gạt bỏ hình họa sang một bên, chỉ chú trọng đến màu sắc, theo đuổi cảm xúc, nhằm thể hiện ánh sáng tự nhiên theo ngẫu hứng. Điều đó đã khiến cho các bức tranh tạo ra sự đối kháng với các quy ước về hội họa trước đó vì hầu như không còn sự rõ ràng về hình thể. Họ lấy ánh sáng làm chủ thể cho hầu hết đề tài, mô tả sự chuyển biến của nó đến từng giây phút. Họ bỏ màu đen và thêm trắng tối đa trên bảng pha màu hòng biểu hiện gần nhất với ánh sáng tự nhiên.. . Bên cạnh đó các nghệ sỹ của phong trào này đã cố tình đặt vệt bút tạo ra gợn màu - điều bị chỉ trích quyết liệt nhất vì xem đó là sự phỉ báng những nguyên tắc đã tạo ra các mẫu mực trong hội họa từ thời Phục hưng. Một chân trời mới đã hiện ra. Cánh cửa hội họa đã xoay chiều, đóng lại những trang sử Phục hưng, mở ra sự đa dạng chưa từng có của lịch sử nghệ thuật thế kỷ XX.
Bức tranh "Người phụ nữ và cái dù" đã thể hiện lại một khoảng khắc rực rỡ của ánh nắng trưa hè. Chủ đề này rất hợp với sở trường của trường phái Ấn tượng vì đối tượng của nó chính là ánh sáng tự nhiên. Chính C.Monet đã nói "Nếu mặt trời đã đi ngủ rồi thì ta đâu còn có việc gì để làm nữa"!
Nếu quan sát váy áo của người phụ nữ là ta có thể thấy toàn bộ sự phản chiếu của môi trường xung quanh: màu xanh của bầu trời, màu vàng, nâu, tím của hoa lá, màu xanh lá cây của cỏ ở phần gấu váy... Ta còn có thể thấy sắc xanh da trời trên đỉnh chiếc dù, ở khăn che mặt, thậm chí ta còn có thể nhận ra sắc xanh lá cây do ánh nắng lọt qua tán dù đọng lại trên đầu và da mặt của người phụ nữ.
Kỹ thuật vẽ độc đáo của trường phái Ấn tượng là tạo ra những vệt bút dày gợn màu và không có sự chuyển tiếp giữa những gam màu. Điều thú vị khi ngắm tranh của trường phái này là có lẽ chúng ta nên đứng xa một khoảng cách vì nếu xem cận cảnh nhiều lúc ta sẽ nhận thấy rằng chúng thực ra được tạo ra chỉ bằng những vệt màu hỗn loạn mà thôi. Có khi những cái đó sẽ tạo cho ta cảm giác là bức tranh hình như còn đang chưa được hoàn thành. Điển hình cho điều này là ở bức tranh nổi tiếng "Đêm đầy sao" (Starry Night) khi Van Gogh quyết định thử vẽ bầu trời về đêm bằng cách sử dụng kỹ thuật của các họa sĩ trường phái Ấn tượng.

"Đêm đầy sao" (Starry Night)- Van Gogh
Trong tranh "Người phụ nữ và cái dù" kỹ thuật này đã thể hiện rõ nhất ở đám mây. Nếu xem chi tiết thì ta sẽ thấy nó thực ra được tạo bởi các vạch màu ngang dọc ngẫu hứng với nét bút thấm đẫm sơn màu lướt nhẹ khẽ chạm vào vải. Có lẽ bằng cách này họa sĩ muốn mô tả lại sự chuyển động của cả khối mây. Nhưng cũng chính các vân màu được tạo ra một cách rất ngẫu nhiên này cũng sẽ gây rất nhiều khó khăn nếu như ta muốn thử vẽ bức tranh theo phong cách Ấn tượng của chính tác giả.
Bóng hồng trong tranh là Camille, vợ và đồng thời là nàng thơ của họa sĩ. Trong suốt gần 15 năm ở bên nhau, ngay từ khi bắt đầu là người mẫu của họa sĩ về sau trở thành vợ, Camille là người đã thắp nên niềm cảm hứng, sức mạnh và sự nhiệt thành để Monet sáng tạo nghệ thuật. Bà là nhân vật chính trong hàng loạt bức tranh nổi tiếng của C.Monet như "Luncheon on the grass", "Woman in the green dress - Camille", "Women in the garden", "Springtime", "Camille in Japanese costume"... Nhưng có lẽ ít ai ngờ rằng lần xuất hiện này trong bức tranh "Người phụ nữ và cái dù" có lẽ là gần như một trong những lần cuối cùng bà đứng làm mẫu cho chồng vẽ. Bốn năm sau bà đã qua đời lúc chỉ mới 32 tuổi.
Khổ tranh đang vẽ này là 46x57cm, còn bản gốc được đặt ở Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia Washington, DC Mỹ là 81x100cm.
Chạm (click) vào photo để mở và vào chế độ phóng to nếu xem chi tiết


Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib