Tuesday, January 23, 2024

"Hoa diên vĩ" - Van Gogh - Hậu ấn tượng

(Tranh đang vẽ 46cm x 60cm)

Bức tranh "Hoa diên vĩ" được vẽ khi họa sĩ Vincent Van Gogh đang sống ở nhà thương điên, vào năm cuối cùng của cuộc đời danh họa. Ông gọi bức tranh là "cột thu lôi cho bệnh tình của mình", bởi cảm thấy rằng ông có thể ngăn mình phát điên bằng cách tiếp tục vẽ. Năm 1987, "Hoa diên vĩ" trở thành bức tranh có giá đắt nhất thế giới từng được bán tới thời điểm đó (53.9 triệu USD), lập nên kỷ lục kéo dài trong một thời gian.
Van Gogh là một họa sĩ Hậu ấn tượng người Hà Lan, được đánh giá là một trong những nhân vật nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử nghệ thuật phương Tây. Hậu ấn tượng là một phong trào của những họa sĩ xuất sắc, chỉ tồn tại trong khoảng giai đoạn 1886 -1905, bắt đầu từ triển lãm cuối cùng của trường phái Ấn tượng cho tới khi trường phái Dã thú (Fauvism) ra đời. Từ sau Ấn tượng, nhiều nghệ sĩ độc lập tìm tòi sáng tạo và đi theo các hướng khác nhau. Mặc dù họ không có phong cách sáng tác giống nhau, nhưng được gọi chung là Hậu ấn tượng, báo hiệu cho các trào lưu sẽ nở rộ ở thế kỷ 20. Trong số đó thì bộ ba họa sĩ Paul Cézanne, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh có thể gọi là những bậc kỳ tài thiên hạ. Minh chứng là ngoài Van Gogh ra, trong hai người còn lại thì Cézanne có bức tranh "The Card Players" (Những người chơi bài) được bán với giá đắt thứ 3 thế giới tính đến thời điểm hiện nay (250 triệu USD) , còn Gauguin có bức "When will you marry" (Khi nào em sẽ lấy chồng) được xếp thứ 4 với giá 210 triệu USD. Nếu để so sánh thì chúng ta nên biết rằng bức tranh đắt giá nhất của Picasso là "Les Femmes d'Alger" (Những người phụ nữ Algier) (phiên bản O) chỉ được xếp đứng thứ chín với giá 179,4 triệu USD. Và có lẽ cũng nên nói thêm rằng lúc sinh thời chính Picasso đã phải thốt lên "Cézanne là bố của tất cả chúng ta".
Nhân lúc nói chuyện về giá cả thì nếu xem danh sách những bức tranh đắt nhất thế giới ta chỉ thấy chủ yếu là tên của các tác phẩm theo các trường phái hội họa hiện đại. Vậy nên mới có câu hỏi là phải chăng là vì chúng xuất sắc hơn hội họa cổ điển từ thời Phục hưng? Thực ra thì không phải như vậy. Chúng ta biết rằng giá cả của mỗi bức tranh chỉ xác định khi nó được đưa ra đấu giá. Và tất nhiên cái giá này không phải là bất biến, nó sẽ thay đổi trong các lần đấu giá sau, thường là theo chiều hướng tăng lên. Cho nên giá của một bức tranh chỉ là tương đối ở thời điểm mang ra đấu giá mà thôi. Vấn đề nằm ở chỗ tất cả các bức tranh từ thời Phục hưng hiện giờ đều là tài sản riêng của nhà thờ hoặc các bảo tàng tranh lớn. Mà những nơi đó thì không bao giờ lại chịu bán đi các báu vật, niềm tự hào, các "con gà đẻ trứng vàng" của họ cả. Do đó hiện nay tham gia đấu giá với tư cách người bán tranh chủ yếu chỉ là những nhà sưu tập tư nhân. Mà vì họ không thể có được những tác phẩm đã thuộc sở hữu của các bảo tàng nổi tiếng, những người này chỉ có thể nắm trong tay một số tác phẩm chủ yếu được sáng tác về sau này hoặc đã bị các bảo tàng lớn bỏ qua vì lý do nào đó. Người ta còn nói rằng nếu được đem ra đấu giá các bức họa thời Phục hưng (và cả những bức tranh khác mà hiện nay đang thuộc sở hữu của các bảo tàng lớn) thì các tác phẩm hội họa hiện nằm trong các bộ sưu tập tư nhân có khi chỉ như trẻ con so với người khổng lồ. Minh chứng cho điều đó là trường hợp bức họa của Leonardo da Vinci "Salvator Mundi" (Đấng Cứu thế). Đó là một bức tranh nhỏ có kích thước 45.4 × 65.6 cm. Tranh từng thuộc bộ sưu tập của vua Charles đệ Nhất nước Anh. Sau nhiều biến cố lịch sử, bức tranh xuất hiện trở lại ở thế kỷ 19 tại Anh, trong tình trạng hư hỏng nặng, lại còn bị vẽ đè lên trên khiến nó gần như trở thành tác phẩm vô danh vì khó có thể xác minh nguồn gốc được nữa. Do đó bức họa đã được bán kiểu như theo dạng thanh lý tại nhà đấu giá Christie's vào năm 1958 với giá vỏn vẹn chỉ có 60 USD. Chính vì lý do hy hữu này mà nó đã trở thành tác phẩm duy nhất của Leonardo Da Vinci thuộc về sở hữu tư nhân. Nhưng sau khi được phục chế và xác minh lại đúng là tranh của Leonardo da Vinci thì nó đã được mua với giá 450,3 triệu USD và ở thời điểm hiện tại đây là bức tranh được bán với giá đắt nhất thế giới, có giá cao hơn hẳn bức đứng thứ nhì "Interchange" của W.Kooning tới hơn 150 triệu USD và bức đứng thứ 3 "Những người chơi bài" đã nói trên của Cézanne là cả 200 triệu USD!
Vì vậy có lẽ tất cả các bức họa hiện giờ nằm trong các bảo tàng tranh uy tín đều có thể được coi là vô giá vì sẽ không có ai đấu giá chúng. Giá của chúng hiện nay chỉ có thể xác định một cách gián tiếp, ví dụ kiểu như có thông tin bên lề là bức tranh "Mona Lisa" được bảo tàng Louvre mua bảo hiểm với mức giá là 2,5 tỷ USD... Như vậy bức "Hoa diên vĩ" vào thời điểm hiện tại cũng có thể được liệt vào dạng vô giá vì nó đang thuộc sở hữu và là ngôi sao sáng nhất của bảo tàng J. Paul Getty Museum ở Los Angeles, nơi thu hút 1,8 triệu du khách mỗi năm nên chắc chắn sẽ không có chuyện ai đó sẽ bán nó.
Câu hỏi mà có nhiều người quan tâm vậy Van Gogh là thiên tài hay là kẻ điên khùng. Chắc là cả hai vì suy cho cùng đó cũng chỉ là hai thái cực của một vấn đề. Có một giai thoại về chuyện Van Gogh tự cắt tai. Số là hôm đó có sự to tiếng giữa Van Gogh và Gauguin vì lúc đó cả hai đang cùng thuê chung phòng. Bực mình nên Gauguin bỏ ra ngoài đi dạo. Lúc tình cờ ngoảnh nhìn lại phía sau thì thấy Van Gogh cũng đang lặng lẽ đi theo nhưng tay lại cầm lăm lăm một con dao cạo với ánh mắt đầy bí hiểm. Linh tính thấy có chuyện chẳng lành nên Gauguin liền co cẳng bỏ chạy. Cố đuổi theo nhưng không kịp nên Van Gogh bèn hậm hực quay trở về phòng. Nhưng không biết nghĩ thế nào lại tự cắt tai mình rồi ra phố đèn đỏ tặng nó cho một cô gái bán hoa. Nghe nói cô gái đã ngất xỉu khi nhìn thấy món quà, còn Van Gogh thì được đưa đi cấp cứu. Vậy nên ngày nay chúng ta mới có bức chân dung tự họa vẽ cảnh Van Gogh bị mất một bên tai nhưng miệng thì vẫn phì phèo tẩu thuốc! Nhưng khi vừa xuất viện thì đã bị dân chúng cả thị trấn biểu tình đòi trục xuất vì không ai muốn sống chung với gã họa sĩ điên khùng này nữa. Còn Gauguin thì nghe nói từ sau buổi tối hôm đó cũng biệt tăm không dám quay về phòng nữa, hình như sau đó thì trốn ra đảo Tahiti nằm ở giữa Thái bình dương và chuyên vẽ các cô gái thổ dân trên đảo, trong đó có bức họa "Khi nào em sẽ lấy chồng" với giá 210 triệu USD đắt thứ 4 thế giới hiện nay như đã nói ở trên!
Trong thời gian đang điều trị bệnh tâm thần Van Gogh đã đồng thời một lúc vẽ hai bức họa về hai loài hoa cùng mọc cạnh bên nhau trong khu vườn của bệnh viện. Đó là "Hoa diên vĩ" (Irises) và "Bụi tử đinh hương" (Lilac Bush). Bức họa thứ hai hiện nay đang được trưng bày tại bảo tàng Hermitage, Saint Petersburg (Nga). Nếu xem nó ta có thể nhìn thấy một lối mòn phía bên phải dẫn lên trên, đó chính là nơi mọc mấy khóm hoa diên vĩ trong bức tranh cùng tên của Van Gogh. Bản thân mình cũng rất thích tranh "Bụi tử đinh hương" và dự định có lẽ một ngày nào đó sẽ vẽ nó, mặc dù khi ngắm nhìn đường nét, sắc màu của bức họa để tự lượng sức thì nói thật cũng hơi nản vì biết rằng để làm điều này chắc chắn sẽ rất không dễ.

(Bụi tử đinh hương)

Bức họa xuất sắc và gây ấn tượng nhất của Van Gogh theo ý kiến cá nhân là "Cánh đồng lúa mì quạ bay" (Wheatfield with Crows). Đó cũng là bức tranh cuối cùng của Van Gogh và nó cũng đã mô tả lại quang cảnh nơi ông bị tử thương. Người ta nói do Van Gogh vô tình bị súng cướp cò trong lúc bắn đuổi mấy con quạ vì chúng dám quấy rầy ông khi đang vẽ tranh! Điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu xét theo cái tính cách lập dị không giống ai của ông. Nhưng nếu quan sát kỹ bức tranh ta có thể nghi ngờ về giả thuyết rằng đó chỉ là một tai nạn. Ta sẽ thấy ông vẽ một ngã ba đường nơi chỉ có một lối vào và cả hai lối ra đều đã bị bịt kín. Vì nếu tinh ý ta sẽ thấy vệ cỏ hai bên đường ở các điểm cuối không đi tiếp như thường lệ mà Van Gogh lại vẽ chúng như hai sợi dây được thắt nút buộc chặt lại với nhau. Chắc hẳn lúc đó ông đang nghĩ về cuộc đời không lối thoát của mình. Trong 10 năm cuối đời (ông qua đời vào năm 37 tuổi), Van Gogh đã sáng tạo ra khoảng hơn hai nghìn bức tranh nhưng nghe nói chỉ bán được có mỗi 1 bức nên ông đã phải sống chủ yếu nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của chú em trai ốm yếu Theo (Theodorus) của mình. Lại thêm cái căn bệnh tâm thần dai dẳng không dứt nữa. Những con quạ trong bức tranh có lẽ là điềm báo xấu cho một sự chẳng lành sắp xảy ra. Thật đáng tiếc cho một thiên tài đã sớm từ bỏ cuộc đời mình.

(Cánh đồng lúa mì quạ bay)

Vậy thì trường phái Ấn tượng và trào lưu Hậu Ấn tượng khác nhau ở chỗ nào. Ở đây ta có thể lấy ví dụ cụ thể là 2 bức tranh "Người phụ nữ và cái dù" ở bài trước và "Hoa diên vĩ" để minh họa.
Về đường nét: Trong "Người phụ nữ và cái dù" cỏ, cây hoa, lá, mây trời… được vẽ rất tượng trưng, chúng chỉ là những vệt màu rất ngẫu hứng. Còn ở "Hoa diên vĩ" thì ngược lại được vẽ rất tỉ mỉ đến từng chi tiết. Van Gogh vẽ chi tiết (cách mà như người Nga gọi là "viết tranh") rất giỏi. Nếu xem kỹ các bức tranh của Van Gogh ta sẽ thấy có những nét vẽ dù rất nhỏ vẫn được ông trau chuốt bằng các gam màu khác nhau nên nhìn chúng rất long lanh. Trong "Hoa diên vĩ" Van Gogh còn sử dụng một kiểu vẽ mà đối với hội họa phương Tây cho đến thời điểm ấy vẫn là điều cấm kỵ đó là vẽ đường viền lớn và đậm nét cho hình. Kỹ thuật này nếu nói nôm na ra thì cũng giống như hồi còn nhỏ ta hay vẽ đường viền bao bọc một vật rồi sau đó mới tô màu lên vậy. Có thể đây là do ảnh hưởng của phong cách hội họa phương Đông.
Về bố cục: Nói chung hội họa châu Âu khởi đầu từ thời Phục hưng cho đến tận trường phái Ấn tượng vẫn nhất nhất tuân thủ các nguyên tắc hàn lâm để tạo chiều sâu 3D cho bức tranh. Cái đó thể hiện ở chỗ về nét vẽ thì nhất định phải theo nguyên tắc trước đậm sau nhạt, về gam màu thì gần ấm xa lạnh, về ánh sáng thì phải vẽ bóng sáng tối. Và nhất là phải phối cảnh. Đó là một cách vẽ trong hội họa dùng để thể hiện các hình ảnh 3 chiều một cách gần đúng trên một bề mặt 2 chiều nhờ vào các quy tắc hình học chặt chẽ.
Nhưng trong bức tranh "Hoa diên vĩ" thì Van Gogh đã bỏ qua tất cả các nguyên tắc đó. Ông không hề vẽ bóng sáng tối của vật, không có đường chân trời... Cảm giác như Van Gogh đang làm điều nguợc lại là cố nén ép chiều sâu lại để tạo ra một bức tranh hai chiều 2D. Giống như là ta đang cố chụp cận cảnh một bức ảnh vậy.
Còn nếu theo ý kiến cá nhân thì trong tranh "Hoa diên vĩ" hình như Van Gogh đã phối cảnh một cách hàn lâm theo đường chéo đi từ góc phải bên dưới lên góc trái trên vì bông hoa ở xa thì trông nhỏ hơn đúng như quy tắc. Nhưng khi ở trên đường chéo kia ông lại sử dụng cái được gọi là "phối cảnh nguợc" - bông hoa phía xa lại lớn hơn cái ở gần, trông rất bất thường. Có lẽ chính điều này đã góp phần làm giảm đi độ sâu của bức tranh. Và nếu không nhầm thì đây có lẽ là lối vẽ ưa thích, nếu như ta không muốn nói đó chính là thương hiệu của Cézanne. Nếu xem tranh của Cézanne thì chúng ta sẽ thấy ông thường hay sử dụng cùng một lúc cả hai loại phối cảnh như vậy ở nhiều vị trí khác nhau. Vì vậy trong bức tranh này Van Gogh có lẽ đã ít nhiều chịu ảnh hưởng phong cách Cézanne.
Bức tranh "Hoa diên vĩ" như một tấm thảm dệt bằng vô số bông hoa đang đua chen sắc màu rực rỡ. Nhưng nếu chú ý một chút thì ta sẽ thấy trên cái nền sặc sỡ ấy có một bông hoa lớn và cũng là bông duy nhất chỉ mang mỗi màu trắng giản dị, hình dáng lại trông rất khác biệt với tất cả và thậm chí hình như còn hơi rũ xuống, đang đứng lặng lẽ, lạc lõng một mình trong góc vắng. Phải chăng ở đây Van Gogh đang muốn nói lên nỗi cô đơn trong vô vọng của cuộc đời mình?
Khổ tranh đang vẽ là 46cm x 60cm. Kích thước bản gốc là 71 cm x 93 cm.
Chạm (click) vào photo để mở và vào chế độ phóng to nếu xem chi tiết

Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib