Friday, April 5, 2024


"Nhạc công guitar già" - Picasso

(Tranh đang vẽ 46cm x 69cm)

Picasso là một thiên tài bẩm sinh. Nếu những ai đã từng được xem một bức tranh mà Picasso vẽ năm mới lên 14 tuổi thì đều chắc chắn là sẽ không còn chút nghi ngờ gì về điều đó. Có lẽ sẽ rất ít người nghĩ rằng đó là chỉ do một đứa trẻ sáng tác. Sau này Picasso đã nói một câu nổi tiếng: "Mọi đứa trẻ đều là họa sĩ. Cái khó là ở chỗ làm sao để giữ được điều đó lúc trưởng thành "
Nhưng nếu nói một cách công bằng thì cái trường phái hội họa Lập thể nổi tiếng do ông sáng lập ra không phải ai cũng đều thich cả. Có lẽ là vì ở cái trường phái này Picasso đã vẽ phái đẹp quá ư là xấu xí, gớm ghiếc! Không chỉ với những phụ nữ khác thôi mà ngay cả các bà vợ và nhân tình ông cũng vẽ họ trông rất dị dạng, méo mó, quái dị. Và nếu cứ chiểu theo cái tuyên ngôn của ông khi sáng lập ra môn phái Lập thể này rằng: "Tôi vẽ đồ vật theo cách tôi nghĩ chứ không phải theo cách tôi nhìn thấy" thì chắc hẳn ông phải là người cực kỳ ghét phụ nữ! Chắc là đối với ông họ cũng chỉ là một dạng như đồ vật mà thôi!
Bởi vậy cho nên mặc dù đã định viết một bài về Picasso nhưng lúc đầu cứ phân vân mãi vì không biết mình sẽ vẽ cái gì đây để minh họa. May mắn thay là Picasso rất đa tài, ngoài cái Lập thể đó ra thì ông còn có rất nhiều Thời kì khác cũng cực kì xuất sắc .. .
Cha của Picasso vốn là một họa sĩ và giáo viên mỹ thuật, đã nhanh chóng nhận ra tài năng đặc biệt của con trai. Ông bắt đầu giảng dạy về hội họa cho Picasso từ lúc cậu bé mới 7 tuổi. Năm 14 tuổi, Picasso đã thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Barcelona với kết quả điểm ưu. Thậm chí từng có giai thoại rằng: thời gian của bài thi là 1 tháng nhưng Picasso chỉ làm trong 1 ngày. Mới học năm thứ nhất, Picasso đã tham gia Triển lãm Mỹ thuật thủ đô Madrid. Tại triển lãm, tác phẩm “Khoa học và lòng nhân ái” (Science and Charity) của ông đã được trao bằng danh dự. Sau đó, tại Triển lãm Mỹ thuật Malaga, tác phẩm trên đã đoạt Huy chương vàng. Sự kiện này đã làm cho Pablo Picasso nổi tiếng khắp trên đất Tây Ban Nha

“Khoa học và lòng nhân ái”

Chỉ một năm sau (1897), Picasso đã trở thành sinh viên Học viện Hoàng gia Fernando- Madrid. Ở đó chàng sinh viên trẻ trong năm đầu tiên chỉ được mài giũa kỹ thuật vẽ của các họa sĩ Hoàng gia Tây Ban Nha như Diego Velázquez, Francisco Goya, El Greco... Chắc cách học hàn lâm buồn tẻ này đã khiến ông chán ngấy. Năm 1898 ông quay trở về Barcelona tham gia vào nhóm họa sĩ Els Quatre Gats. Năm 1900 ông chuyển sang Paris, thủ đô của hội họa thời đó và bắt đầu được làm quen với các tác phẩm của trường phái Ấn tượng...
Người ta phân chia thời kỳ sáng tác của Picasso thành Thời kỳ Xanh (1901–1904), Thời kỳ Hồng (1904–1906), Thời kỳ Ảnh hưởng Châu Phi - điêu khắc (1908–1909), Thời kỳ Lập thể phân tích (1909–1912) và Thời kỳ Lập thể tổng hợp (1912–1919).
Bức họa "Nhạc công guitar già" (The Old Guitarist) được sáng tác vào khoảng cuối năm 1903, đầu năm 1904, tức là vào giai đoạn cuối của thời kỳ Xanh. Trong thời kỳ này, các tác phẩm của Picasso có tông màu tối hơn với màu chủ đạo là xanh thẫm, đôi khi được làm ấm hơn bởi các màu khác. Bức tranh này đã được xếp vào danh sách Top 10 bức tranh xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Picasso. Năm 1926 Viện Nghệ thuật Chicago (Mỹ) đã mua nó và đây là bước ngoặt rất quan trọng trong cuộc đời của Picasso vì đó là tác phẩm đầu tiên của ông được một bảo tàng tranh thế giới mua cho bộ sưu tập của mình.
Có một điều rất ám ảnh ở bức tranh này trong khi vẽ, đó là nếu nhìn kỹ nó ta lại thấy lờ mờ hiện lên khuôn mặt với mái tóc xõa của một người phụ nữ, với đường nét phảng phất mờ ảo như hồn ma trong phim kinh dị của Mỹ vậy! Quan điểm chung của các nhà chuyên môn đều cho rằng có lẽ do thời kì đó vì Picasso còn rất nghèo nên đã phải tận dụng một bức tranh cũ để vẽ đè lên trên cho nên vẫn còn để sót lại một số nét. Nhưng theo ý kiến cá nhân thì với một họa sĩ xuất sắc và đầy kinh nghiệm như Picasso thì sẽ không bao giờ lại gặp phải khó khăn khi phải xử lí một bức tranh cũ để tạo ra một cái nền chuẩn cho bức họa mới vì đây là công việc thường ngày của ông. Sự vụng về sơ đẳng như vậy đã là điều rất khó có thể xảy ra ngay cả đối với một sinh viên mỹ thuật. Hơn nữa nếu xem xét kỹ ta sẽ thấy hình như ông đã cố tình để lại phần khuôn mặt vì đường nét của nó đã được chỉnh sửa và kết nối cực kỳ hài hòa với bức tranh nên không thể là do ngẫu nhiên được. Vì cùng trong lúc đó thì với những chi tiết còn lại ông đã sử dụng kỹ thuật phủ lớp nền một cách hoàn hảo và khéo léo đến nỗi nghe nói sau này người ta phải cần đến sự hỗ trợ của tia X và hồng ngoại thì mới có thể phát hiện ra. Điều đó càng củng cố cho giả thuyết rằng phần khuôn mặt đã được Picasso cố tình sử dụng với một mục đích nào đó. Đây có thể là một điều bí mật mà có lẽ chỉ nhân vật chính trong tranh và tác giả mới hiểu rõ. Phải chăng Picasso muốn thể hiện vợ hay con của nhân vật, và đã có điều gì đó đã xảy ra với họ?
Vì lẽ đó ở đây ta sẽ không theo quan điểm chung là coi chi tiết này như một lỗi kỹ thuật cần phải loại bỏ mà ngược lại còn xem nó như một phần quan trọng không thể thiếu được của bức tranh. Cho nên sẽ khôi phục lại nó để trung thành với nguyên bản và xem đó như là một câu đố vui: các bạn hãy tìm khuôn mặt của người phụ nữ đang ẩn nấp trong bức tranh này!
Bức họa "Nhạc công guitar già" như một tuyệt tác nghệ thuật khi mang theo trong mình đầy đủ tính "Chân, Thiện, Mỹ". Nó đã khiến người xem phải thực sự xúc động, xót xa cho sự cô đơn, khốn khổ của một kiếp người.
"Nghệ sĩ mù ôm cây đàn trên phố
Cụ là ai, vợ con cụ đâu rồi
Kiếp cô đơn thêm bất hạnh cuộc đời
Thân cơ cực đói nghèo chôn bóng tối
... "
Khổ tranh đang vẽ là 46cm x 69cm. Kích thước bản gốc là 82.6cm x122.9cm.
Chạm (click) vào photo để mở và vào chế độ phóng to nếu xem chi tiết

Ô chữ online © 2019 - Design by Minh MisaTemplateism.comTemplatelib